(BKTO) - Sức ép cạnh tranh đang buộc ngành logistics (giao nhận, vận tải) Việt Nam phải chuyển mình để bứt phá vươn lên khi Thủ tướng xác định mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt từ 8-10%. Tuy nhiên, những thách thức đặt ra là không nhỏ khi tiềm lực của các nhà cung cấp dịch vụ hạn chế, gánh nặng chi phí vẫn là vấn đề nan giải, kèm theo đó là sự thiếu đồng bộ của cơ sở hạ tầng, sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan…
giải pháp để ngành logistics Việt Nam phát triển
Dù ngành logistics Việt Nam được đánh giá có tiềm năng, tuy nhiên, tại Hội nghị, các diễn giả cho rằng cần khắc phục những hạn chế chủ quan và những trở lực khách quan để ngành logistics có thể phát triển như kỳ vọng.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải cho biết, một xu hướng rất rõ hiện nay trong ngành logistics là đầu tư cho công nghệ và chuyển đổi số trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics. Các doanh nghiệp trong ngành cần thấy rất rõ xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, những thành tựu khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong việc quản lý đơn hàng, quản lý vận tải, quản lý cảng biển.
Xu hướng khác là xanh hóa chuỗi cung ứng, có nghĩa là doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu về giảm phát thải, thân thiện với môi trường, đáp ứng được yêu cầu của hoạt động thương mại trong giai đoạn tới và tất cả các thành phần tham gia chuỗi cung ứng logistics đều phải đáp ứng yêu cầu xanh hóa, từ vận tải xanh, bao bì xanh, kho bãi xanh, quản lý dữ liệu logistics xanh…
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng, lợi thế, cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics. Tuy những năm gần đây, do tác động của đại dịch COVID-19 và biến động chính trị toàn cầu, kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng xu thế đang dần tích cực hơn.
Hiện nay Chính phủ đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp, đặc biệt là hoàn thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và xuất khẩu, đồng thời tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, như kinh tế xanh, kinh tế số… nhằm đạt mức tăng trưởng cao nhất mà kế hoạch năm 2023 đề ra.
Để ngành logistics phát triển, cơ sở hạ tầng là yếu tố vô cùng quan trọng. Trong hai năm qua, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm, các tuyến đường cao tốc quan trọng, kết nối vùng miền đã được xây dựng và hoàn thành. Mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2025, hoàn thành 3.000 km đường cao tốc, và đến 2030, hoàn thành 5.000 km đường cao tốc. Cùng với đó là các tuyến đường ven biển, sân bay, các cảng biển,…
Đây là những điều kiện cần và đủ để Việt Nam có thể phát triển ngành logistics trong tương lai. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu cắt giảm chi phí logistics, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chúng ta còn nhiều việc phải làm.
Thứ nhất, phải tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics. Sửa đổi, ban hành mới các chính sách, pháp luật điều chỉnh dịch vụ logistics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới, bao quát toàn diện các dịch vụ logistics, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics...
Thứ hai, Nhà nước cần hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, tiếp tục rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics. Thu hút đầu tư các trung tâm logistics quy mô lớn, tập trung, theo vùng giúp lưu trữ, bảo quản hàng hóa trong thời gian dài từ đó phát luồng phân phối đi các nơi.
Thứ ba, để xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam, đòi hỏi phải có sự tham gia và cam kết tích cực của các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, các công ty logistics và trường dạy nghề.
Đặc biệt, để xác định chính xác nhu cầu lao động và tuyển dụng, Nhà nước cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc lĩnh vực logistics...
Thứ tư, về phía các doanh nghiệp logistics, cần xây dựng chiến lược kinh doanh, thực hiện liên kết chiến lược, liên doanh với các đối tác hoặc hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp để tạo ra các doanh nghiệp mạnh, tăng khả năng cạnh tranh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên, ngành logistics Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.
(HQ Online) - Mặc dù năm 2022 chứng kiến cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt với vô vàn khó khăn từ những hệ lụy của đại dịch Covid-19 cho tới xung đột Nga - Ukraine, chiến lược Zero-Covid của Trung Quốc nhưng trong Báo cáo nghiên cứu về thị trường ngành Logistics Việt Nam giai đoạn hậu Covid vừa được Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố ngày 30/11/2022 vẫn chỉ ra những điểm sáng của Ngành.
Theo danh sách Top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2022 mới được công bố, các doanh nghiệp được xếp theo 4 hạng mục gồm: Top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2022- nhóm ngành Giao nhận quốc tế, Kho bãi, Dịch vụ logistics bên thứ 3, thứ 4; Top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2022 - nhóm ngành Vận tải hàng hóa; Top 5 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2022 - nhóm ngành Khai thác cảng; Top 5 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2022 - nhóm ngành Chuyển phát nhanh, giao hàng chặng cuối. Kết quả năm nay cho thấy, ngoài hạng mục Top 5 công ty khai thác cảng vẫn là những cái tên quen thuộc còn các hạng mục khác đều có sự đổi ngôi khá ngoạn mục.
Tại Top 10 Công ty giao nhận quốc tế, Kho bãi, Dịch vụ logistics bên thứ 3, thứ 4 uy tín, Công ty CP giao nhận và vận chuyển In Do Trần ở ví trí thứ 2 năm 2021 đã vươn lên soán ngôi dẫn đầu của Công ty CP Gemadept. Công ty CP Giao nhận Toàn cầu DHL (Việt Nam) bảo toàn được vị trí top 3. Các thứ hạng tiếp theo có sự đổi chỗ nhẹ nhưng vẫn là những tên quen thuộc như Công ty CP Transimex; Công ty TNHH Expeditors Việt Nam; Công ty CP Giao nhận Vận tải Con Ong (Bee Logistics); Công ty TNHH Kuehne+Nagel; Công ty CP Kho vận Miền Nam… Đồng thời bổ sung thêm một “tân binh” là Công ty CP Dịch vụ hàng hải hàng không con cá heo.
Tại Top 10 Công ty Vận tải hàng hóa, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã vượt Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí lên dẫn đầu nhờ đạt chỉ số cao nhất về năng lực tài chính. Bên cạnh đó, so với xếp hạng năm 2021, trong top 10 này còn gọi tên 3 “tân binh” là Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận; Công ty CP Vinafco; Công ty CP Giang Nam Logistics, trong đó, đáng chú ý Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận đã vượt mặt nhiều tên tuổi lớn để đứng ở vị trí thứ 4.
Theo kết quả nghiên cứu của Vietnam Report, phần lớn các doanh nghiệp trong ngành đều đạt kết quả kinh doanh rất tích cực. 68,4% số doanh nghiệp tham gia khảo sát do Vietnam Report thực hiện trong tháng 10-11/2022 cho biết, doanh thu 9 tháng đầu năm nay đã tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, 26,3% ghi nhận mức tăng lên đáng kể. Báo cáo tài chính của 34 doanh nghiệp logistics niêm yết trên sàn chứng khoán cũng ghi nhận, có 64,7% số doanh nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng doanh thu so với trước đại dịch (con số này là 35,3% vào thời điểm cách đây một năm); 26,5% số doanh nghiệp chuyển từ nhóm “đang trên đà phục hồi” trong giai đoạn 2019-2021 sang “duy trì đà tăng trưởng” trong giai đoạn 2019-2022. Điều này cho thấy nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp logistics trong quá trình phục hồi và bứt phá tăng trưởng kinh tế sau Covid-19.
Những xu hướng định hình thị trường logistics trong 1-3 năm tới và mức độ ảnh hưởng trên thang điểm 5
Bên cạnh những điểm sáng tích cực, khảo sát của Vietnam Report cũng chỉ ra những khó khăn lớn mà doanh nghiệp logistics đang phải đối mặt bao gồm: biến động giá năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào; cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành; rủi ro từ chuỗi cung ứng; bất ổn chính trị trên thế giới; và nhu cầu mua sắm, tiêu dùng giảm. Trong đó, biến động giá năng lượng đang là thách thức lớn nhất và là điểm khác biệt lớn nhất trong bức tranh kinh tế ngành Logistics năm 2022, bắt nguồn từ cuộc xung đột chính trị Nga – Ukraine.
Không những vậy, khi giá nhiên liệu trở thành gánh nặng của doanh nghiệp sẽ gây ra nhiều bất lợi trong cạnh tranh, làm tăng cách biệt về mặt chi phí logistics của Việt Nam so với bình quân thế giới và khu vực. Tính trong khu vực ASEAN, Việt Nam hiện nay đã ở mức 16,8%, cao hơn Singapore (8,5%), Malaysia (13,0%) và Thái Lan (15,5%).
Báo cáo tài chính của 34 doanh nghiệp logistics niêm yết trên sàn chứng khoán cũng chỉ ra có thêm 8,8% số doanh nghiệp bị chuyển từ nhóm “đang trên đà phục hồi” trong 6 tháng đầu năm 2022 sang “suy giảm” trong 9 tháng đầu năm. Gần 80% số doanh nghiệp dự báo tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung-cầu sẽ còn tiếp diễn đến cuối năm 2023 và thậm chí sau đó nữa khi các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 được gỡ bỏ tại hầu hết các thị trường (bao gồm cả Trung Quốc).
Trước thực trạng trên, khảo sát của Vietnam Report chỉ ra những chiến lược ưu tiên mà doanh nghiệp logistics cần thực hiện trong một vài năm tới. Đó là mở rộng chuỗi cung ứng và tìm kiếm thị trường mới; tăng cường nguồn vốn cho thiết bị công nghệ phục vụ chuyển đổi số; tăng cường đào tạo nhân viên để phục vụ quá trình chuyển đổi số. Đây là 3 chiến lược xuyên suốt trong 2 năm trở lại đây và đã chứng minh được tính hiệu quả.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần đầu tư cho logistics xanh để giúp doanh nghiệp giành được lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ của mình. Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, gần 90% số doanh nghiệp cho rằng việc triển khai chiến lược phát triển bền vững có thể nâng cao giá trị thương hiệu của doanh nghiệp; 84,2% số doanh nghiệp có thể xác định các rủi ro và cơ hội bằng cách thực hiện chiến lược phát triển bền vững; 52,6% cho rằng khách hàng coi trọng các hành động phát triển bền vững mà doanh nghiệp có thể đạt được.